Nhiệm vụ và vai trò của giáo viên chủ nhiệm
Giáo viên chủ nhiệm là người thay mặt Ban Giám đốc để tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục – đào tạo học viên trong một lớp. Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên trong lớp mình. Ngoài ra còn đóng vai trò là cố vấn đắc lực cho các đoàn thể trong lớp, hỗ trợ hướng dẫn cho ban cán sự lớp lập kế hoạch hoạt động và phối hợp cùng các em thực hiện để đạt kết quả mong muốn.
Ngoài việc quản lý, giáo dục học viên trên lớp, giáo viên chủ nhiệm cần phải liên hệ với gia đình các em để nắm bắt thêm thông tin từ đó đề ra biện pháp giáo dục phù hợp. Trong giai đoạn hiện nay công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, học viên có thể dễ dàng tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên để phòng tránh tác hại tiêu cực của mạng Internet, người giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn cho các em, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em thông qua bộ môn mình dạy, trong thời gian sinh hoạt lớp và qua trao đổi ngoài giờ,…
Công tác chủ nhiệm ở các lớp học hệ Giáo dục thường xuyên
Đối tượng học viên hệ Giáo dục thường xuyên rất đa dạng về độ tuổi, hoàn cảnh gia đình, địa bàn sinh sống, nghề nghiệp,…. Sự đa dạng này tồn tại ngay trong một lớp. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cần căn cứ vào đặc điểm của học viên lớp mình để điều chỉnh kế hoạch hoạt động, chỉ tiêu, phương pháp giảng dạy,… cho phù hợp.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh trong công tác chủ nhiệm. Đó là sự quan tâm, gần gũi, lắng nghe,… giúp các em không bỏ học nửa chừng.
Là một giáo viên từng làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, tôi nhận thấy, việc quan trọng đầu tiên là giáo viên chủ nhiệm phải duy trì sỉ số lớp. Học viên ở Trung tâm đa số có hoàn cảnh khó khăn, vừa học vừa làm, năng lực học chưa tốt,… nên dễ có khả năng bỏ học nửa chừng. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm tìm hiểu, nắm bắt được hoàn cảnh cụ thể của từng học viên để kịp thời động viên, giúp đỡ.
Tôi muốn chia sẻ thêm về một trong những trường hợp đó là câu chuyện về một học viên lớp 10 do cô P.T.P.M làm chủ nhiệm. Tên em học viên ấy là Ngân, ngoan ngoãn, lễ phép, học lực khá, đi học chuyên cần và tính tình luôn vui vẻ, hòa đồng. Ban đầu, giáo viên chủ nhiệm không chú ý đến em nhiều lắm. Đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày khai giảng, bỗng nhiên Ngân nghỉ học 3 ngày không xin phép, không liên lạc được. Đến một buổi sáng trong tháng 11, bố của Ngân vào trường xin rút hồ sơ cho con. Lúc đó cô P.M đang ở trên lớp. Cô được mời xuống văn phòng gặp phụ huynh này. Cô quá bất ngờ, hỏi lí do vì sao ông lại rút hồ sơ. Ông cương quyết với lý do là con gái mình không thể tiếp tục đi học nên xin rút. Cô P.M thuyết phục mãi, rằng cháu rất ngoan, học khá, nếu không có lí do đặc biệt thì gia đình nên để cháu tiếp tục con đường học tập. Thế rồi người cha cũng đành phải nói thật, vừa kể ông vừa rưng rưng hai hàng nước mắt: gia đình đang rất khó khăn, bản thân ông chạy xe ôm, giờ lại đang mang bệnh nên không làm ra tiền, không thể chi trả học phí cho con. Cô P.M đã mời vị phụ huynh này nán lại để cô dẫn đi gặp Ban Giám đốc Trung tâm. Sau khi xem xét, cân nhắc trường hợp của em Ngân, Ban Giám đốc đã quyết định giảm học phí cho em, hi vọng em tiếp tục đi học trở lại. Cũng ngay trong sáng hôm đó, cô P.M đã có buổi nói chuyện với cả lớp về hoàn cảnh gia đình của em Ngân và bàn với lớp tìm cách giúp đỡ. Từ đó, mỗi khi có đợt học bổng khuyến học hay học bổng từ thiện, tập thể lớp đều giành hết cho bạn Ngân. Có bạn trong lớp còn tặng cho Ngân bút viết, tập vở. Một lần, cô P.M vô tình thấy một bạn nam hay nghịch ngợm trong lớp mua cho Ngân hộp cơm khi em ở lại buổi trưa. Cứ thế, với sự chia sẻ động viên của cả lớp, em Ngân đã không phải nghỉ học. Riêng cô P.M thì vui lắm, giọng cô nghẹn ngào khi kể lại chuyện này với chúng tôi.
Trường hợp học viên sau đây lại khác, em không khó khăn về kinh tế nhưng lại phải chọn lựa hướng đi phù hợp cho tương lai. Đó là câu chuyện một học viên lớp 12C2 do tôi làm chủ nhiệm. Khi chỉ còn ba tháng nữa là thi tốt nghiệp thì em gặp tôi và nói: “Cô ơi, chắc em phải nghỉ học thôi”, tôi lặng người. Sau một hồi trò chuyện, tôi biết được lý do là em vừa đi học, vừa đi làm (em đang dạy hợp đồng ở một trường mầm non). Nhà trường đề nghị em đi học nghiệp vụ để được vào biên chế. Một lúc phải học nhiều thứ, lại phải đi làm nên em không đủ sức, không theo kịp chương trình học. Em nghĩ chứng chỉ nghiệp vụ quan trọng hơn nên muốn bỏ việc học văn hóa. Tôi đã dành thời gian phân tích cho em hiểu nếu không có bằng tốt nghiệp THPT thì em sẽ không được vào biên chế vì không đủ điều kiện. Chứng chỉ nghiệp vụ chỉ học một thời gian ngắn là có, em có thể học sau khi tốt nghiệp. Trong khi để có bằng tốt nghiệp THPT em phải học lại ít nhất 1 năm, phải mất nhiều công sức, tiền bạc mới có được. Giờ em gần đạt được nó rồi, bỏ học giữa chừng thì uổng phí công lao học tập của em bấy lâu nay. Cuối cùng, em cũng hiểu ra và tiếp tục việc học cho đến ngày tốt nghiệp. Bây giờ em đã chính thức là giáo viên mầm non. Riêng phần tôi, tôi rất hạnh phúc vì em đã tin tưởng vào mình mà chịu bày tỏ, tâm sự, muốn lắng nghe ý kiến của tôi.
Từ hai câu chuyện ở trên, tôi thấy niềm vui của học viên cũng chính là niềm vui của chúng tôi. Chúng tôi luôn mong muốn, bằng năng lực, kinh nghiệm, nhiệt huyết và cái tâm của người nhà giáo, chúng tôi sẽ làm được nhiều điều cho học viên của mình.
Tác giả: Nguyễn Thị Trang