Bất kỳ một thời đại nào, một quốc gia nào, việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cũng đều được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bởi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Trong thời đại khoa học ngày nay, những người tài giỏi luôn là những công dân tiên tiến của một đất nước tiến bộ, văn minh, hiện đại.
Trong nhà trường phổ thông, việc phát hiện và bồi dưỡng những học sinh tài giỏi đã khó; đối với Giáo dục thường xuyên – một hệ đào tạo mà đối tượng học rất đa dạng với “đầu vào” tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với phổ thông, thì việc hình thành và bồi dưỡng thành công một đội tuyển học viên giỏi Toán lại càng là một vấn đề khó khăn gấp bội lần.Tuy khó khăn thế đấy nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể làm được điều đó. Hơn nữa, đây lại là một công việc rất hứng thú đối với những người thầy tâm huyết với nghề và những học trò yêu thích, say mê , sáng tạo và khám phá những điều lý thú đối với Toán học.
Với thực tế những gì tôi đã dày công thực hiện trong những năm qua, bản thân tôi đã đạt được những thành công nhất định trong công tác bồi dưỡng học viên giỏi bộ môn Toán. Dù kết quả đạt được còn ở mức độ khiêm tốn, đòi hỏi bản thân cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa nhưng cũng xin mạn phép được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp, quý phụ huynh và các em học sinh một số kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã làm và đúc kết được.
Tôi xin trình bày 3 nội dung chính:
1. Các bài học kinh nghiệm.
2. Thành tích qua các năm học.
3. Kết luận.
A. Các Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1. Phát hiện học sinh tham gia vào đội tuyển:
– Yêu cầu đầu tiên: Học sinh được chọn phải là người yêu thích môn Toán.
– Trao đổi kỹ với những giáo viên dạy Toán các năm học trước về đặc điểm, trình độ của từng học sinh dự kiến lựa chọn đưa vào đội tuyển dựa trên điểm trung bình môn Toán của mỗi em.
– Căn cứ vào kết quả bài kiểm tra chất lượng đầu năm: chú ý những em đạt điểm khá, giỏi hoặc những bài làm có triển vọng, có sự sáng tạo.
– Giáo viên chú ý đến các học sinh lớp 12 có nguyện vọng thi Cao đẳng, Đại học đối với các ngành học có thi môn Toán; định hướng cho các em tham gia học tập và rèn luyện để dự thi, chọn lựa vào đội tuyển thi học viên giỏi môn Toán của Trung tâm.
– Việc chọn học sinh có số lượng dư ra so với quy định: kết quả các bài kiểm tra chung ở lớp, toàn trường; thông qua các tiết dạy nội dung giảng trên lớp giáo viên lồng ghép nội dung thi ở các năm học trước, đặt những câu hỏi khó, những dạng Toán nâng cao đòi hỏi học sinh phải có khả năng giải quyết các tình huống, có tư duy logic, sáng tạo và khả năng phân tích, tổng hợp tốt. Giáo viên ghi nhận năng lục của mỗi học sinh vào sổ theo dõi của mình. Dựa vào kết quả các bài kiểm tra trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên sẽ chốt danh sách đội tuyển và tiếp tục bồi dưỡng cho những em có tiềm năng.
Bài học 2. Bồi dưỡng học sinh giỏi:
a/ Bồi dưỡng vốn kiến thức:
Để đạt tiêu chuẩn học sinh giỏi, đòi hỏi phải có kiến thức cao, sâu, rộng hơn nhiều so với một học sinh bình thường. Tuy nhiên, để bồi dưỡng có hiệu quả, người thầy phải tuân thủ phương châm bắt buộc là: “Phải lấy kiến thức căn bản trong sách giáo khoa làm nền tảng, làm cơ sở từ đó mới có thể đi sâu, mở rộng, nâng cao theo yêu cầu đối với cấu trúc và nội dung đề thi”.
– Bản thân giáo viên phải vận dụng các phương pháp dạy học một cách linh hoạt (đặc biệt là phương pháp dạy học cá thể, phương pháp tập dượt nghiên cứu khoa học), sao cho phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận, phải tạo được sự lôi cuốn cho học sinh ngay từ những giờ học đầu tiên của từng bài, các em phải được đặt vào những tình huống có vấn đề buộc phải động não để giải quyết những bài toán khó.
– Trên cơ sở những kiến thức đã học, giáo viên sẽ mở rộng vấn đề bằng những bài toán khó có tính hệ thống.
– Giới thiệu nguồn tài liệu để học sinh tự tham khảo thêm.
b/ Rèn luyện kỹ năng:
Học sinh được bồi dưỡng kiến thức tốt nhưng nếu không thành thạo các kỹ năng cơ bản để thể hiện kiến thức thì chắc chắn không thể đạt được yêu cầu đối với một học sinh giỏi. Thực tế cho thấy những học sinh đạt giải cao là những em có kỹ năng làm bài tốt.
– Trước hết, phải cung cấp những chuẩn mực để học sinh học và làm theo (phương pháp, cách thức), trên cơ sở đó mới hình thành và rèn luyện các kỹ năng cơ bản cho học sinh.
– Rèn luyện kỹ năng phân tích giả thiết, kết luận, dạng câu hỏi, định ra hướng giải quyết nhanh và chính xác.
– Rèn luyện kỹ năng phản biện để tìm ra chỗ đúng, chỗ sai để chỉnh sửa kịp thời.
Bài học 3. Đánh giá học sinh đúng mức, tạo động lực học tập cho các em:
– Giáo viên cần đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh, kịp thời khen ngợi và động viên các em có các bài giải hay.
– Giới thiệu các bài giải hay để học sinh cùng tham khảo.
– Kiểm tra thường xuyên việc tham gia giải toán tại lớp và phần giải bài tập tại nhà của học sinh, rèn luyện cho các em có được nề nếp học tập nghiêm túc.
– Giáo viên giới thiệu gương học tập các học sinh của Trung tâm đã đạt danh hiệu học sinh giỏi bộ môn Toán cấp Thành phố (khối lớp 12) qua các năm học. Đặc biệt chú ý nhấn mạnh về phương pháp học tập và nề nếp giải Toán của nhóm học sinh đạt thành tích trên.
– Đối với các bài giải hay, giáo viên yêu cầu cả lớp cùng ghi tên tác giả của các bài giải đó.
Bài học 4. Thu thập tài liệu, cung cấp kịp thời đến học sinh:
– Giáo viên cần lập kho lưu trữ giảng dạy phù hợp với đặc trưng bộ môn Toán và cần có kế hoạch cung cấp tài liệu Toán theo từng thời điểm thích hợp. Ngược lại, giáo viên nhận nguồn tài liệu hay từ phía học sinh cung cấp (nếu có).
– Thường xuyên trao đổi tài liệu cần dùng với các bạn đồng nghiệp.
– Đặc biệt là thu thập đầy đủ được các bộ đề thi và biểu điểm bộ môn Toán của Thành Phố Hồ Chí minh và các địa phương khác qua các năm học.
Bài học 5. Tiếp thu ý kiến phản hồi từ học sinh:
– Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh phát huy hết tính tích cực của mình, đặc biệt quan tâm đến các ý kiến phản hồi của các em.
– Giáo viên tiếp thu các ý kiến chính xác của học sinh, điều chỉnh kịp thời nếu thấy cần thiết.
B. Thành tích qua các năm học:
Qua thực tế những việc tôi đã làm trong quá trình thực hiện công tác bồi dưỡng học viên giỏi Toán khối lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 1 (trước đây là Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 1), tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
Họ và tên học sinh | Lớp | Giải thưởng | Năm học |
NGUYỄN KIM KHÁNH | 12 | 2 | 2009-2010 |
LÊ THỊ MINH HUY | 12 | 1 | 2010-2011 |
LÊ MAI HOÀNG TRUNG | 12 | 3 | 2010-2011 |
VÕ THỊ DUNG | 12 | 3 | 2010-2011 |
NGUYỄN THỊ DIỄM MY | 12 | 2 | 2011-2012 |
NGUYỄN BẢO LUÂN | 12 | 3 | 2011-2012 |
PHẠM NGỌC THẮNG | 12 | 3 | 2012-2013 |
MẠC THỊ LỆ QUỲNH | 12 | 3 | 2012-2013 |
PHẠM VĂN TRƯỞNG | 12 | 3 | 2012-2013 |
PHAN KIM NGÂN | 12 | 3 | 2013-2014 |
NGUYỄN MINH CHÂU | 12 | 3 | 2014-2015 |
LIÊU THÀNH QUANG | 12 | 3 | 2016-2017 |
Kết quả đặc biệt:
Học sinh NGUYỄN KIM KHÁNH đậu thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp năm học 2009-2010.
C. Kết luận:
Bồi dưỡng học sinh giỏi Toán luôn là một nhiệm vụ cao cả đối với các thầy cô giáo đang giảng dạy bộ môn này. Phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn Toán rất đa dạng, phong phú. Lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp với từng đối tượng học để đạt được hiệu quả tốt nhất luôn là những trăn trở của những người giáo viên dạy Toán.
Quả là: “Dạy học là một nghệ thuật. Bậc thầy về nghệ thuật chính là người am hiểu đối tượng của mình”. Người giáo viên bồi dưỡng học viên giỏi Toán phải là người có năng lực Toán học tốt đồng thời truyền được cho học trò mình sự am hiểu, niềm say mê, sự sáng tạo trong quá trình học tập và hoàn thiện nhân cách bằng chính tài năng và tấm lòng bao dung của người thầy.
Nội dung tôi trình bày ở trên chưa thể được coi là những kinh nghiệm tuyệt đỉnh, càng không thể coi là những kinh nghiệm chuẩn mực. Tuy nhiên, được sự động viên của Ban Giám đốc Trung tâm tôi đã mạnh dạn chia sẻ với các bạn về những tâm huyết của mình đã làm và những thành tích đáng kể đã đạt được trong các năm học vừa qua.
Nội dung bài viết của tôi còn mang tính chủ quan, rất mong được các bạn đồng nghiệp, quý phụ huynh và các em học sinh đón nhận, cảm thông và cùng chia sẻ để nội dung bài viết lần sau được hoàn thiện hơn và kết quả đạt được ở tầm cao hơn về số lượng lẫn chất lượng.
Tác giả: Phan Khắc Toàn