Trong các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, việc tìm kiếm, thuyết phục và đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa càng là một vấn đề khó khăn hơn bởi lẽ đầu vào của học sinh chất lượng chưa cao, những học sinh khá, giỏi đuợc chúng tôi nhắm đến để bồi dưỡng, khi đặt vấn đề với các em chúng tôi thường bị từ chối vì các em đã chọn những môn khác như Toán, Văn, Lí, Hoá… và chúng tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn của các em.
Vậy làm thế nào để có học sinh giỏi môn Địa? Sau đây tôi xin góp một vài kinh nghiệm:
1. Về phía học sinh:
Có thể nói đây là bí quyết của từng giáo viên khi chọn học sinh giỏi cho các cuộc thi. Bằng cảm nhận kết hợp với kinh nghiệm, bằng sự gần gũi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích của từng em học sinh, những học sinh chúng tôi lựa chọn phải đáp ứng được những tiêu chí sau:
a. Trước hết đó phải là các em yêu thích môn Địa; chịu khó tìm đọc tư liệu và ham học hỏi.
b. Có kết quả học tập bộ môn từ khá trở lên. Ngoài ra cần có thêm các kĩ năng như: học thuộc bài, suy luận logic, phân tích, tổng hợp, trình bày bài viết rõ ràng có hệ thống (cũng nên dựa trên ý kiến về các học sinh này từ những giáo viên đã giảng dạy cho các em trong những năm học trước hoặc tự mình phát hiện các em từ những lớp mà bản thân đang dạy).
c. Có nguyện vọng vào các trường Đại học, Cao đẳng… có liên quan đến tổ hợp bộ môn khoa học xã hội.
2. Về phía giáo viên:
- Để học sinh yêu thích học môn Địa, người giáo viên phải thực sự yêu nghề, có tâm huyết với nghề, có kiến thức chuyên môn vững vàng đồng thời phải nghiêm túc trong công tác giảng dạy. Trên lớp dạy cho học sinh nắm được cốt lõi của vấn đề, có liên hệ với thực tế giúp các em dễ hiểu bài, dễ nhớ và nhớ lâu. Các em sẽ tìm ra những điều bổ ích trong mỗi bài học, giải quyết được các tình huống đặt ra trong mỗi bài. Học sinh sẽ gắn kết được các vấn đề của tự nhiên, dân cư, kinh tế lại với nhau, như vậy các em sẽ có được một bức tranh tổng thể về đất nước Việt nam và thực sự thấy thích thú với những khám phá của mình.
- Khai thác triệt để các bảng số liệu, biểu đồ, bản đồ… trong sách giáo khoa, biểu đồ Atlat.
- Rèn luyện cho các em kĩ năng vẽ và nhận xét thành thạo các loại biểu đồ (cột, đường, tròn, miền, kết hợp). Đặc biệt là kĩ năng nhận biết nên vẽ loại biểu đồ nào phù hợp nhất với nội dung từng bảng số liệu trong đề bài.
- Hướng dẫn các em ôn tập theo chủ đề bằng sơ đồ tư duy.
- Hướng dẫn các em phương pháp tự học.
- Rèn luyện cho các em kĩ năng làm bài thi như: đọc kĩ đề, xác định dàn ý và trình tự làm bài hợp lí nhất, trả lời các câu hỏi một cách đơn giản, vừa đủ ý, viết chữ sạch sẽ, dễ đọc, bình tĩnh suy nghĩ khi gặp các câu hỏi, bài tập có dạng phức tạp…
* Còn một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là các thầy, cô phải luôn sát cánh cùng các em, quan tâm, chia sẻ mọi vấn đề của học sinh; động viên, khích lệ những tiến bộ dù nhỏ của các em. Hiểu rõ hoàn cảnh và tính cách của từng em. Sau khi đi thi cuộc thi tuyển chọn học sinh giỏi, có học sinh đã tâm sự: “Thấy cô tận tâm, thương cô, chúng con đều cố gắng học tốt để không làm buồn lòng cô”. Tôi đã thực sự cảm động!
Trên đây là kinh nghiệm của bản thân tôi trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý trung học phổ thông hệ Giaó dục thường xuyên và đã đạt được những thành công nhất định. Tôi hy vọng sẽ có ích cho các bạn đồng nghiệp khi đọc được những kinh nghiệm này. Chúc các bạn thành công!
Tác giả: Phan Thị Thanh Mai